14 phương pháp để nói tiếng Anh lưu loát khi không có người học cùng
Được đăng bởi Quản trị ND-sa.th.17    22/09/2017 17:12
1. Tập suy nghĩ bằng tiếng Anh

Đôi khi điều khó khăn khi tập nói một ngôn ngữ mới không phải là bản thân ngôn ngữ đó mà chính là cách suy nghĩ.

Nếu bạn suy nghĩ bằng tiếng Việt rồi nói lại bằng tiếng Anh thì bắt buộc phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Mà việc chuyển ngữ vốn dĩ không phải dễ! Ngay cả những người nói thạo hai ba thứ tiếng cũng còn lúng túng khi chuyển ngữ như vậy.

Giải pháp chính là hãy suy nghĩ bằng tiếng Anh.  

Bạn có thể thực hiện điều này mọi lúc mọi nơi. Hãy thử dùng tiếng Anh để ngẫm lại hôm nay thế nào, hoặc lúc gọi món chẳng hạn. Khá hơn nữa thì thử dùng từ điển Anh – Anh để tra cứu. Làm vậy thì bạn sẽ không cần phải dùng tiếng Việt để dịch từng từ nữa.

2. Tự tập nói

Lúc nào ở nhà (hoặc nơi nào đó một mình), bạn có thể tập nói với người luôn bên bạn 24/24, là chính bạn đấy.

Nếu bạn đã có thể suy nghĩ bằng tiếng Anh thì hãy thử nói lớn những suy nghĩ của bạn xem sao. Lúc đọc cũng hãy đọc thành tiếng. Dù không có ai giúp bạn sửa lỗi thì vẫn phải tập. Chỉ cần tập nói lớn như vậy thôi cũng đủ giúp bạn dạn dĩ hơn khi nói tiếng Anh rồi đấy.

3. Dùng gương

Bất cứ lúc nào có thể, bạn hãy dành ra vài phút trong ngày đứng trước gương để tập nói nhé. Chọn ra một đề tài, hẹn thời gian khoảng hai, ba phút rồi cứ thế mà nói.

Mục đích của bài tập này là để bạn quan sát được cử động của miệng, mặt và ngôn ngữ cơ thể của mình khi nói. Cách này cũng mang lại cho bạn cảm giác như đang trò chuyện, nhờ vậy mà bạn có thể vờ như đang thật sự thảo luận với một người bạn học.

Hãy nói liên tục suốt hai - ba phút đó, đừng dừng lại. Nếu bị “bí” từ nào thì cố gắng dùng cách khác để diễn giải. Sau hai, ba phút đó, bạn có thể tha hồ tra xem từ đó nói thế nào. Cách này sẽ giúp bạn phát hiện được những dạng từ vựng hoặc câu mà bạn nắm chưa vững.

4. Tập nói cho lưu loát trước, khoan chú ý ngữ pháp

Khi nói tiếng Anh, bạn có hay ngập ngừng không?

Bạn càng khựng lại nhiều thì nghe càng thiếu tự tin, từ đó càng khiến bạn không thoải mái. Hãy tập đứng trước gương , đồng thời thử thách bản thân phải nói liên tục sao cho không được ngập ngừng hay nói lắp.

Như vậy cũng đồng nghĩa rằng câu cú của bạn có thể chưa hoàn hảo về mặt ngữ pháp, không sao cả! Nếu bạn chỉ tập trung để nói cho trôi chảy, không cần chuẩn xác tuyệt đối thì người ta vẫn hiểu, phát âm của bạn sẽ ngày càng tốt. Sau này bạn vẫn có thể bổ sung các quy tắc ngữ pháp và từ vựng cũng không muộn.

5. Thử sức với các cụm từ dễ líu lưỡi

“Tongue twisters” (những câu nói dễ líu lưỡi) là những câu tập hợp toàn những từ khó mà nói nhanh được. Ví dụ như: “The thirty-three thieves thought that they thrilled the throne throughout Thursday.” Bạn thử nói lặp lại câu này vài lần mà xem. Không dễ đâu.

Những trò chơi về từ vựng kiểu này sẽ giúp bạn nhận biết vị trí đặt miệng và lưỡi thế nào cho đúng, thậm chí có thể giúp ích cho khả năng phát âm của bạn nữa đấy. 

6. Nghe và lặp lại

Bạn có xem các chương trình truyền hình hay các video trên Youtube không? Hãy tận dụng những nguồn này để giúp bạn nói lưu loát hơn. Chọn ra một phân đoạn trong chương trình nào đó rồi nói theo từng câu một. Cố gắng bắt chước cả giọng điệu, tốc độ nếu có thể. Bạn có lỡ mất một vài từ cũng không sao, quan trọng là cứ tiếp tục nói. Cố gắng làm sao để phát âm thật giống với người bản ngữ trong chương trình nhé. 

7. Chú ý đến trọng âm

Tiếng Anh dùng đến các trọng âm trong cả từ và câu, nghĩa là khi bạn nhấn mạnh vào từ hoặc âm tiết nào đó sẽ khiến cho từ và các câu đó mang những ý nghĩa khác nhau.

Hãy nghe xem người bản xứ đặt trọng âm ở đâu khi họ nói rồi cố gắng lặp lại y như vậy.

Cách này không chỉ giúp bạn nói tốt hơn mà còn giảm bớt khả năng gây hiểu lầm. Có đôi khi việc đặt dấu nhấn sai âm tiết sẽ hoàn toàn thay đổi nghĩa của từ. Ví dụ như từ "ADdress" không giống với từ "adDRESS". "ADdress" (địa chỉ) đề cập đến đến một vị trí thực tế nơi một người sinh sống, còn "adDRESS" (tuyên bố) nghĩa là phát biểu chính thức với một nhóm người.

Tập nghe thật kĩ để phát hiện ra điểm khác nhau nhé!

8. Hát theo các bài hát tiếng Anh

Hát theo những bài hát tiếng Anh yêu thích sẽ giúp bạn trở nên lưu loát hơn.

Khi đã hát kịp Taylor Swift và Jason Mraz thì bạn có thể kiểm tra khả năng của mình với một thể loại khó hơn như đọc rap chẳng hạn.

Rap là một thể loại vô cùng phù hợp để thực hành tiếng Anh vì thông thường, câu chữ trong các đoạn rap cũng giống với văn nói thường ngày. Tuy nhiên, các "ráp-pơ" sẽ sử dụng tiết tấu nhanh và mạnh hơn. Một số từ có thể sẽ không có ý nghĩa gì cả, nhưng nếu bạn có thể theo kịp "ráp-pơ" thì bạn đang tiến tới mức lưu loát rồi đấy.

9. Học luôn những dạng khác của từ mới

Bạn có thể tiến hành một vài hình thức luyện tập trước khi nói. Hãy khiến việc nói dễ dàng hơn bằng cách học thêm các hình thức khác của bất kì từ mới nào. Chẳng hạn như, thay vì học mỗi từ "write", bạn cũng nên học luôn các thì khác của "write" như "wrote" và "written".

Việc nhận biết cách thức chính xác khi sử dụng một từ trong bất kỳ kiểu câu nào khá quan trọng. Kiến thức này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình nói. Bạn không cần phải ngừng lại để suy nghĩ các từ khác nhau mà tự bạn sẽ biết chính xác lúc nào thì cần dùng đến từ đó khi nói.

10. Học cả cụm, đừng học từ lẻ tẻ

Học cả cụm từ thì tốt hơn là học từng từ.

Có thể từ vựng và ngữ pháp bạn dùng không có gì sai, chỉ là không tự nhiên như cách nói của người bản xứ mà thôi.

Chẳng hạn, bạn nói rằng:  “How do you feel today?”  nhưng một người bản xứ sẽ nói “How’re you doing?” hoặc “What’s up?”. Các cụm từ và thành ngữ sẽ giúp cho câu nói của bạn nghe tự nhiên hơn.

11. Học cách nói những câu thông dụng nhất

Bạn để ý đến cách bạn nói tiếng Việt mà xem.

Những từ hay cụm từ nào bạn thường dùng đến nhất?

Hãy học cách nói các từ, các cụm từ thông dụng nhất trong tiếng Anh. Nhận biết được các từ và cụm từ đó sẽ giúp bạn nói tiếng Anh tốt như tiếng Việt luôn đấy.

12. Chuẩn bị trước những tình huống đặc thù

Bạn có học tiếng Anh vì một mục đích cụ thể nào không? Ví dụ như, học để vào làm một công ty yêu cầu nói tiếng Anh chẳng hạn? Trong trường hợp đó, biết tiếng Anh sẽ giúp bạn có thêm lợi thế khi phỏng vấn. Còn nếu học tiếng Anh là để có thêm bạn bè nước ngoài thì bạn lại cần một kiểu tiếng Anh khác.

Trước khi đến nơi nào đó buộc phải nói tiếng Anh thì bạn cần phải luyện tập trước những gì cần nói. Nếu bạn chuẩn bị đến một nhà hàng thì bạn thử nghĩ xem những cuộc hội thoại ở nhà hàng sẽ như thế nào? Hãy trả lời các câu hỏi mà người phục vụ sẽ hỏi. Thử trò chuyện về các loại thức ăn và thực đơn xem sao.

Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu đã chuẩn bị sẵn.

13. Cứ thoải mái!

Bạn có thể là người hỗ trợ hoặc kẻ thù tệ hại nhất của chính mình khi học nói đấy! Ai cũng biết việc này không dễ nhưng bạn hãy cố đừng bận tâm đến phát âm của mình khi đang nói. Cứ thoải mái thôi!

Nếu bị bí, cứ hít một hơi thật sâu rồi bắt đầu lại. Giảm tốc độ nói nếu cần. Tạm dừng một lúc để nghĩ xem kế tiếp nên nói gì.

Làm gì cũng được, miễn là bạn thấy thoải mái hơn khi nói.

14. Kể chuyện bằng tiếng Anh.

Đây là một cách thú vị để kiểm tra xem tiếng Anh của bạn đã tiến bộ tới đâu: hãy chọn lấy một câu chuyện bạn thuộc nằm lòng rồi kể lại bằng tiếng Anh.

Nhớ suy nghĩ bằng tiếng Anh khi kể chuyện nhé. Cứ tập trung nói cho lưu loát, khoan nghĩ đến chuyện đúng sai. 

Thậm chí nếu bạn không có ai để tập nói cùng thì tự bạn vẫn có thể bồi đắp sự tự tin và trôi chảy cho chính mình.
Xem thêm