Cải thiện kĩ năng đọc hiểu
Được đăng bởi Quản trị ND-sa.th.17    06/08/2018 10:50

Những mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn tăng khả năng đọc hiểu những khái niệm phức tạp trong sách giáo khoa.

Xem qua trước khi đọc

Trước khi đọc một văn bản, hãy xem qua trước để tóm tắt sơ lược về văn bản đó. Điều này sẽ giúp bạn hình dung về nội dung văn bản, nhờ vậy mà quá trình đọc sẽ hiệu quả hơn. Điều trước tiên bạn nên làm là đọc phần giới thiệu và xem lại mục lục. Kế đến, đọc tựa các mục, chương, những phần được đánh dấu in đậm. Suốt quá trình này, chỉ tập trung lấy thông tin chung, đừng chú ý chi tiết.

Sau đây là danh sách các mục cụ thể nên xem qua và/hoặc đọc khi xem qua trước một chương sách giáo khoa.

  • Tiêu đề và phụ đề chương. - Đọc các tiêu đề và phụ đề chương sẽ cho bạn biết chủ đề chung của chương, giúp bạn biết phương hướng và trọng điểm khi đọc.
  • Tập trung vào các câu hỏi ở đầu mỗi đoạn. - Không phải tất cả, nhưng có nhiều sách hay đưa câu hỏi vào đầu mỗi chương. Xem qua các câu hỏi này trước khi đọc văn bản sẽ giúp bạn nắm được trọng tâm và biết cần phải tìm ý nào khi đọc chương này.
  • Lời giới thiệu và các đoạn đầu chương. - Đoạn đầu chương thường là đoạn giới thiệu cho nội dung của toàn chương. Đọc đoạn đầu, hoặc lời giới thiệu, sẽ biết được nội dung của tài liệu bạn sắp đọc.
  • Các tiêu đề phụ được in đậm. - Nhiều phần sẽ bắt đầu bằng các tiêu đề phụ được in đậm. Xem qua các tiêu đề này trước khi đọc cả chương sẽ giúp bạn nắm được các chủ đề chính cần tập trung khi đọc từng phần của chương.
  • Câu đầu đoạn văn. - Thông thường, câu đầu tiên trong đoạn văn sẽ giới thiệu trọng tâm, và cho biết nội dung đoạn văn viết về điều gì. Tuy nhiên, trong một số văn bản, câu đầu tiên lại được dùng để gây chú ý nhiều hơn. Trong trường hợp này, cần phải đọc câu đầu và câu thứ hai của từng đoạn. Riêng dạng bài tập này sẽ giúp bạn hình dung đầy đủ nội dung của cả chương cũng như những chủ đề chính cần tìm khi đọc văn bản.
  • Đoạn cuối hoặc chương tóm tắt. - Đoạn cuối hoặc phần tóm tắt sẽ đưa ra lời giải thích súc tích về nội dung của chương - bao gồm các ý chính quan trọng nhất.
  • Tài liệu cuối chương. - Đôi khi sách giáo khoa sẽ có thêm các câu hỏi hoặc tài liệu nghiên cứu bổ sung ở cuối mỗi chương. Nếu có, hãy ôn lại các tài liệu này để hình dung rõ hơn về những ý quan trọng và khái niệm cần tìm trong khi đọc.

Xác định mục đích

Nhiều văn bản có các thông tin và chi tiết không liên quan đến các khái niệm và ý chính. Xác định mục đích khi đọc sẽ giúp bạn tập trung vào những ý quan trọng. Xác định trước mục đích cũng giúp bạn phân loại thông tin nào liên quan, thông tin nào không cần thiết, nhờ vậy, bạn có thể dành thời gian tối đa để nghiên cứu những gì quan trọng nhất.

Đọc văn bản

Bạn đã xem qua hết trước khi đọc và xác định được mục đích, giờ là lúc thực sự ngồi xuống và đọc văn bản. Nếu bạn cảm thấy khó tập trung khi đọc thì nên đọc thành tiếng. Có nhiều người cảm thấy dễ hiểu hơn khi đọc như vậy.

Ghi chú, đánh dấu các ý quan trọng

Viết ra giấy là một trong những kỹ thuật ghi nhớ hiệu quả nhất. Khi gặp các khái niệm, sự kiện hoặc ý chính thì hãy lấy bút đánh dấu lại, viết ra giấy hoặc ghi chú bên lề. Cách này sẽ giúp ghi nhớ những gì đã đọc, về sau nếu muốn xem lại thì cũng nắm ý nhanh hơn.

Đánh giá sau khi đọc

Sau khi đọc văn bản, hãy dành thời gian để nhận định những gì đã học và các ý quan trọng, vừa giúp bạn tiếp thu bài, vừa giúp ghi nhớ để dùng về sau. Hơn nữa, bạn còn có thể phát hiện mình chưa hiểu chỗ nào để dành thêm thời gian xem lại các ý chưa rõ.

Xem thêm