Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn trường THPT Đoàn Thượng (Hải Dương) (có đáp án)
Được đăng bởi Quản trị KD-sa.th.11    11/01/2018 14:29

 

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG
TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG
 
(Đề thi có 01 trang)
ĐỀ THI THỬ KÌ THI THPT QUỐC GIA LẦN 1
MÔN THI: NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2016 - 2017
(Thời gian làm bài: 120 phút)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Mong ước đầu tiên và lớn nhất của tôi là các con sẽ trở thành người tử tế, sau đó là cháu sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế! Việc cháu tiếp tục học ở đâu, làm việc gì là tùy vào sở thích, niềm đam mê và năng lực của cháu. Tôi và gia đình hoàn toàn tôn trọng vào sự lựa chọn và quyết định của con mình.

(Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight, mẹ của "cậu bé vàng" Đỗ Hải Nhật Minh trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại số 24 ngày 28-1-2017, trang 7)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng ở đoạn trích trên.

Câu 2. Theo em, trình tự lập luận trong đoạn trích trên được trình bày theo phương pháp nào? (diễn dịch, quy nạp hay tổng-phân-hợp)

Câu 3. Xác định nội dung cơ bản của đoạn trích?

Câu 4. Là một người trẻ tuổi, anh/chị có tán đồng với mong ước về tương lai tuổi trẻ của vị phụ huynh thể hiện trong đoạn trích trên không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc-hiểu: Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế!

Câu 2. (5,0 điểm)

Tùy bút Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà nhà văn Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc. Nơi đây, ông đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên cùng "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở tâm hồn của những người lao động.

Theo anh/chị, "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là gì? Hãy làm rõ điều đó qua những gì mà anh/chị đã biết.

-------- Hết -------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Đáp án- Thang điểm

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng: nghị luận/phương thức nghị luận.

2. Trình tự lập luận trong đoạn trích được trình bày theo phương pháp tổng-phân-hợp.

3. Nội dung cơ bản của đoạn trích:

Những lời tâm sự (chia sẻ) của một phụ huynh: mong con trở thành người tử tế.

4. HS nêu quan điểm cá nhân và có những lí giải thuyết phục, nhưng không thể không tán đồng. Vì đó là ý kiến đúng đắn, sâu sắc và có trách nhiệm.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Sau này con có trở thành bất cứ ai trên cuộc đời này, làm bất cứ công việc gì thì cũng làm việc một cách tử tế, ứng xử với bản thân, với gia đình, bạn bè, những người xung quanh, với cộng đồng và thậm chí là với cả trái đất này một cách tử tế!

a. Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có câu mở đoạn, các câu phát triển ý và câu kết đoạn. Đảm bảo số lượng chữ phù hợp với yêu cầu (khoảng 200 chữ), không quá dài hoặc quá ngắn. Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

b. Yêu cầu về nội dung:

* Giải thích

- Tử tế: Đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mà lệ thường phải có để được coi trọng, có lòng tốt trong đối xử.

- Làm việc tử tế:

+ Việc tử tế: Không nhất thiết phải là những việc to tát, sang trọng mà có khi chỉ là những việc nhỏ bé, bình thường nhưng là những việc tốt, có ý nghĩa.

+ Cách làm tử tế: Có trách nhiệm đối với việc mình làm.

- Ứng xử tử tế:

+ Ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa.

+ Trong mọi mối quan hệ, kể cả với bản thân, với trái đất.

- Nội dung ý kiến: Sau này con có thể trở thành bất cứ ai (thành vĩ nhân hay chỉ là thường dân), có thể làm việc gì (việc lớn lao hay việc nhỏ bé) không quan trọng. Quan trọng là phải tử tế, làm việc tử tế, ứng xử tử tế.

* Phân tích, bình luận

- Nêu và phân tích những biểu hiện của việc tử tế và những người tử tế.

- Tương lai là những gì sẽ diễn ra ở phía trước mà con người khó lường hết được. Vì vậy người ta thường lo lắng và chuẩn bị chu đáo hành trang cho tương lai.

- Bằng kinh nghiệm của những người đi trước, trách nhiệm đối với thế hệ sau, mong ước trên của bậc phụ huynh là rất đáng trân trọng. Đó là ý kiến đúng đắn, sâu sắc và có trách nhiệm.

+ Trước hết, đáp ứng được thực tế: "ứng vạn biến" (có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ việc gì).

+ Sau nữa nó đảm bảo được chân lí "dĩ bất biến", có thể giúp con người trưởng thành, vững vàng trong mọi tình huống thử thách (làm việc tử tế, ứng xử tử tế). Dù xét ở góc độ nào đi nữa thì làm việc tử tế, ứng xử tử tế vẫn phải là thước đo giá trị con người trong mọi thời đại. Nó phải được tôn vinh.

(Thí sinh có thể có suy nghĩ khác nhưng không trái với tinh thần của câu nói, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật) 

* Bài học nhận thức và hành động

Câu 2. (5,0 điểm) Viết bài nghị luận bàn về "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/đoạn văn, phần kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Về "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở nhân vật người lái đò trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

- Giới thiệu hoàn cảnh ra đời, mục đích sáng tác tập tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân; hình tượng người lái đò trong Người lái đò Sông Đà.

- Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của cụm từ "thứ vàng mười đã qua thử lửa": chữ dùng của Nguyễn Tuân để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của những con người mới, đã lao động và chiến đấu trên vùng sông núi hùng vĩ và thơ mộng (Sông Đà)

- Phân tích, chứng minh về vẻ đẹp tâm hồn của ông lái đò sông Đà:

+ Ông lái đò được xây dựng như là một đại diện, một biểu tượng của nhân dân (không chi tiết tên tuổi, quê quán). Đó là một người lao động rất đỗi bình thường, hoạt động trong một môi trường lao động khắc nghiệt, dữ dội.

+ Ông am hiểu đối tượng mà mình đang chinh phục: Ông hiểu tính nết con sông Đà "Lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy", ông thuộc tên từng cái thác, nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá, từng luồng sinh cửa tử nơi ải nước hiểm trở...

+ Ông mưu trí và dũng cảm để vượt qua những thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống lao động hằng ngày: Vượt qua những trùng vi thạch trận trên sông Đà một cách ngoạn mục, ông đò có phẩm chất của một người anh hùng trí dũng song toàn, của một nghệ sĩ cầm chèo vượt thác "tay lái ra hoa".

+ Ông có tâm hồn bình dị: Khi những kí ức về cuộc chiến "xèo xèo tan trong trí nhớ", nhà đò trở về với cuộc sống bình yên "đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá, hang cá mùa khô...", "cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua".

→ Ông lái đò mang những phẩm chất cao đẹp của người lao động trong thời đại mới: giản dị mà không kém phần hùng tráng, khỏe khoắn và cũng đầy mưu trí. Đó là những con người tự do, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.

- Một vài nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Tuân: đặt nhân vật vào những tình huống đầy cam go, thử thách để nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất; phối hợp những thủ pháp tiêu biểu của các loại hình nghệ thuật khác để miêu tả và kể chuyện... 

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Xem thêm