Làm thế nào để cải thiện khả năng đọc hiểu
Được đăng bởi Quản trị ND-sa.th.17    22/08/2017 17:24
Đọc tiếng Anh không khó như bạn nghĩ đâu! Đây nhé, chúng ta sẽ bàn nhau cách dùng “thang” và “dàn giáo” để tiến bộ.

Chả ai xây nhà mà xây liền một lần được. Những người thợ xây phải đổ móng trước, rồi mới xây lên cao.

Tương tự như vậy, muốn học tốt một kĩ năng nào đó, bạn cũng cần tích lũy vốn kiến thức nền cho thật vững chắc.

Điều này cũng đúng đối với kĩ năng đọc hiểu. Để thực sự hiểu được những gì đã đọc, bạn cần phải rèn luyện những kĩ năng khác trước. Bạn nên tập cách đọc nhanh (hoặc đọc chậm). Bạn đừng chọn những quyển sách quá khó, hãy chọn những quyển vừa sức. Khởi đầu nhẹ nhàng, chậm rãi, rồi từ từ tăng độ khó lên.

Hãy ghi nhớ phương pháp này nếu bạn muốn tăng cường khả năng đọc hiểu hay bất kì kĩ năng nào khác.

Các bước dưới đây sẽ giúp bạn xây dựng kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh. Hãy áp dụng những mẹo này, bạn sẽ có thể hiểu thêm nhiều về những điều mình đọc đấy.

8 bước đơn giản để tăng cường khả năng đọc hiểu

1. Dành ra quỹ thời gian cho việc đọc

Sở thích này có thể thực hiện ở bất cứ đâu. Bạn có thể say sưa đọc trên xe buýt, trên giường hoặc ở chỗ làm, và tận hưởng những niềm vui vô tận.

Tuy nhiên, nếu bạn đọc là để tăng cường khả năng hiểu thì cần phải tập trung  và nghiền ngẫm.

Điều này nghĩa là bạn cần dành ra một quỹ thời gian chỉ để đọc mà thôi. Làm vậy để bạn hoàn toàn tập trung, tránh nguy cơ bị gián đoạn. Khoảng thời gian này phải yên tĩnh để bạn khỏi phân tâm.

Bạn nên cố gắng dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày tập trung cho việc đọc. Có đọc nhiều bạn mới tiến bộ được.

Mách bạn:

Biến việc đọc thành một trình tự, cứ lặp lại mỗi khi bạn ngồi xuống tập trung vào đọc.

Sau đây là những bước gợi ý:

Tìm chỗ nào yên tĩnh, thoải mái, đủ ánh sáng để ngồi.
Chuẩn bị sẵn những thứ cần có trước khi ngồi xuống. Chẳng hạn như, một cây bút, quyển sổ, từ điển, hay thức uống gì đó.
Dự tính bạn sẽ đọc bao lâu (30 phút là khoảng thời gian tối thiểu phù hợp).
Đặt tất cả các thiết bị điện tử ở chế độ im lặng (hoặc tắt hẳn) rồi để sang một bên.
Việc tắt âm các thiết bị điện tử nhìn thì có vẻ không mấy quan trọng nhưng đây là việc bạn phải làm.

Nếu bạn lên một trình tự riêng khi chuẩn bị đọc thì não của bạn cũng sẽ nhận biết được trình tự này, và như vậy bạn sẽ càng tập trung hơn ngay cả trước khi bắt đầu đọc.

2. Đọc thể loại sách phù hợp

Nếu bạn không thích thể loại khoa học giả tưởng, chắc bạn sẽ không thích đọc một quyển sách viết về một người bị mắc kẹt trên Sao Hỏa đâu nhỉ. Khi bạn chọn sách (hay bất kì loại tài liệu nào khác) để đọc, hãy nhớ hai điều sau:

1. Chọn những gì mình thích

2. Chọn sao cho vừa sức

Bất cứ lúc nào có thể, bạn nên đọc những thứ mình thích. Bạn cũng nên chọn những quyển sách nào trên mức “dễ” một chút thôi. Hãy thử thách bản thân đôi chút để học hỏi những điều mới, chứ đừng để bản thân chán nản với việc đọc.

Mách bạn:

Bạn không biết phải bắt đầu từ đâu? Có nhiều trang web có thể cho bạn gợi ý về những quyển sách hay đấy:

Mục Listopia trên trang Godreads có vô số những danh sách  do người dùng tạo sẵn.
Trang Your Next Read cho phép bạn tìm kiếm những quyển sách tương tự những cuốn bạn đã đọc và thích trước đó, hoặc bạn cũng có thể tham khảo một số danh sách trong trang này.
Trang Jellybooks giúp bạn phát hiện những quyển sách mới và đọc thử 10% nội dung trong đó, để xem có hợp không.
Whichbook lại là một kiểu trang web khác – bạn chọn ra thể loại nội dung mà bạn đang tìm trong một quyển sách (vui/buồn, đẹp đẽ/gớm ghiếc) rồi trang web sẽ dựa vào đó để cho bạn gợi ý.

Bất kì trang web nào trong số này cũng có thể giúp bạn tìm ra quyển sách phù hợp để tăng cường khả năng đọc hiểu đấy.

3. Tự đặt ra câu hỏi trong khi và sau khi đọc

Có nhiều thứ để tìm hiểu trong một quyển sách hơn chỉ là các con chữ.

Có một vài việc ta có thể thực hiện trước, trong và sau khi đọc để hiểu rõ bài đọc hơn.

Trước khi đọc, hãy lướt qua một lượt, nghĩa là bạn chỉ cần đảo mắt qua đoạn văn thật nhanh mà không cần phải đọc từng từ.

Tương tự, bạn cũng hãy dành ra một chút thời gian sau khi đọc để lướt qua một lần nữa và tổng kết những gì còn nhớ. Cố gắng nói hoặc viết nhanh một vài câu mô tả nội dung đoạn văn.

Suy ngẫm về những điều đã đọc sẽ cho thấy mức độ bạn hiểu bài ra sao, qua đó giúp bạn nhận ra nếu còn điều gì vướng mắc.

Mách bạn:

Đây là những câu hỏi bạn có thể tự ngẫm trong khi lướt qua bài đọc để chuẩn bị:

Có từ nào được in đậm hay in nghiêng không?
Có tiêu đề hay đề mục nào không?
Có cái tên nào được đề cập đến?
Có nhiều đoạn hội thoại không?
Các đoạn văn ngắn hay dài?

Sau khi đọc xong, bạn có thể dùng những câu hỏi dưới đây để suy ngẫm về những điều bạn đã hoặc chưa hiểu:

Bài đọc nói về điều gì?
Những sự việc nào là quan trọng nhất đã diễn ra trong bài đọc?
Có điều gì khiến bạn mơ hồ không?
Có điều gì khiến bạn bất ngờ không?
Có phần nào bạn không hiểu không?

Bạn có thể đặt những câu hỏi khác tùy vào thể loại văn bản bạn đang đọc, nhưng đây là những câu cơ bản phù hợp để khởi đầu.

4. Tập đọc cho lưu loát trước

Bạn có nhận thấy mỗi lần nhìn thấy dấu chấm là bạn dừng lại không?

Giờ hãy tưởng tượng bạn đọc hết một bài báo hoặc quyển sách mà cứ xong một từ lại dừng lại. Như vậy thì khó mà hiểu được.

Đó là lí do vì sao nếu muốn cải thiện khả năng đọc hiểu thì điều quan trọng là phải tập đọc cho lưu loát trước. 

Lưu loát chính là khả năng đọc trôi chảy. Khi nhẩm trong đầu, bạn cần hình thành được ngữ điệu riêng cho các từ. Những từ này nối tiếp nhau một cách tự nhiên như khi người nào đó đang nói chuyện.

Muốn đọc lưu loát thì đơn giản nhất là bạn chọn bài đọc dễ một chút hoặc chấp nhận bỏ ra thêm thời gian để tập luyện. Nếu bạn chọn cách thứ hai, điều này sẽ giúp ích cho bạn trong tương lai. Bạn sẽ tiến bộ cả về khả năng đọc và nói nữa. Ngoài ra còn khiến cho việc tập đọc trở nên vui và tự nhiên hơn.

Mách bạn:

Có nhiều từ bạn tra cứu khi đọc lại là những từ phổ biến. Những từ này thuộc dạng “chỉ cần nhìn sơ qua đã biết”, vốn dĩ bạn không cần phải đắn đo khi đọc đến.

Bạn có thể làm quen với những từ phổ biến này một cách nhanh chóng. Hãy tìm một danh sách đầy đủ có các từ này, rồi bỏ ra một hoặc hai phút mỗi ngày để đọc qua càng nhanh càng tốt.

Nếu bạn không biết từ nào thì nên tra trước, nhưng nhớ là chỉ cần đọc nhanh thôi, không cần phải tìm hiểu. Một khi bạn đã có thể đọc với tốc độ vừa phải, bạn có thể tập trung vào việc hiểu nghĩa.

5. Khi đã có thể đọc nhanh thì hãy đọc chậm lại!

Khi đã học được cách đọc cho lưu loát, không cần phải lo lắng về tốc độ đọc nữa, bạn hãy bắt đầu suy ngẫm về ý nghĩa bài đọc.

Đúng vậy, giờ thì bạn đã có thể đọc nhanh, đã đến lúc nên đọc chậm lại. Hãy dành thời gian suy ngẫm về bài đọc thay vì nghĩ cách đẩy nhanh tốc độ đọc.

Mách bạn:

Có một cách hữu hiệu giúp bạn đọc chậm lại đó là đọc thành tiếng. Cách này không chỉ giúp bạn luyện đọc hiểu mà còn luyện luôn cách phát âm, khả năng nghe và nói nữa. Hãy tập trung phát âm từng từ thật cẩn thận và chuẩn xác.

Nếu bạn không đọc thành tiếng được (hoặc không muốn), bạn có thể thử tạm dừng sau vài đoạn văn để buộc bản thân phải tập trung.

Một cách khác để giảm tốc đó là viết ra các ghi chú và câu hỏi trong khi đọc.

6. Đặt thật nhiều câu hỏi

Hãy tha hồ đặt câu hỏi. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi về những gì đã đọc thì bạn càng hiểu sâu hơn.

Đặt câu hỏi cũng là cách hay để chứng tỏ bạn hiểu những gì đang đọc. Những câu hỏi như “chuyện gì đang xảy ra?” hay “ai đang lên tiếng ở đoạn này” sẽ giúp bạn tập trung. Còn những câu như “tại sao anh ta làm vậy?” hay “cô ấy đang  nghĩ gì thế?” sẽ giúp bạn suy ngẫm câu chuyện sâu hơn.

Mách bạn:

Để các tờ giấy sticker và một cây bút ở gần. Viết ra giấy sticker bất kì câu hỏi nào bạn nảy ra trong quá trình đọc rồi dán vào bài đọc.

Khi đã đọc xong, hãy quay lại xem hiện giờ bạn trả lời được bao nhiêu câu. Nếu có câu nào bạn vẫn chưa có câu trả lời, hãy đọc lại phần đó trong bài đọc và cố gắng tìm cho ra.

7. Hãy đọc lại

Có khi chỉ đọc qua một lần thôi thì chưa thể hiểu được. Điều này đúng nếu bài đọc thuộc dạng khó.

Việc đọc lại sẽ vô cùng hữu ích khi bạn chưa nắm được ý nghĩa của các câu chữ. Cách này cũng rất hay, giúp bạn tìm lại những điều bạn bỏ lỡ trong lần đọc đầu tiên. Nếu trong bài đọc có từ mới thì bạn sẽ thấy lại những từ đó thêm lần nữa khi đọc lại, luôn tiện giúp bạn nhớ từ.

8. Đọc nhiều thể loại

Ngày nay, chúng ta không chỉ đọc sách báo, mà còn có blog, email, các dòng Tweets và cả tin nhắn nữa. Bạn đọc càng nhiều, hình thức nào cũng được, miễn là bằng tiếng Anh thì bạn sẽ càng nhanh tiến bộ.

Đừng chỉ đọc sách và tin tức. Hãy đọc tất tần tật mọi thứ! Tìm lấy một tờ tạp chí yêu thích, nhấn nút Theo dõi những nhân vật hoặc trang web thú vị trên Facebook, hoặc ghé qua trang blog mà bạn thích.

Mách bạn:

Nếu bạn chưa tìm được thứ gì mới mẻ để đọc thì có thể tìm hiểu thử những trang web sau đây, vốn chuyên góp nhặt tin tức và những tựa báo thú vị lại với nhau để người đọc dễ dàng tổng hợp:

Trang StumbleUpon sẽ giới thiệu cho bạn các trang web mới dựa trên sở thích của bạn.
Trang Digg góp nhặt các câu chuyện thú vị đây đó trên Internet vào hết một trang.
Giao diện của trang Reddit có vẻ kém thân thiện hơn một chút nhưng đây là tập hợp của các trang web và hình ảnh mà cộng đồng người dùng của Reddit đã đề xuất cho những người khác cùng thưởng thức đấy.

Bất kể bạn đọc gì, chỉ cần nhớ rằng: Bạn luyện tập nhiều bao nhiêu sẽ càng nhanh tiến bộ bấy nhiêu.

Điều tuyệt nhất chính là những mẹo này có thể áp dụng đối với kĩ năng đọc hiểu của bất kì ngôn ngữ nào.

Nếu bạn áp dụng những chiêu này vào việc học tiếng Anh thì biết đâu bạn chẳng đột nhiên phát hiện ra kĩ năng đọc hiểu tiếng mẹ đẻ của bạn cũng tiến bộ theo luôn thì sao.
Xem thêm