Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Được đăng bởi Quản trị KD-sa.th.11    26/04/2019 09:39

Vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm, tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các họ tộc trên đảo cùng tổ chức             
              Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân những người đã ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo.

                                                                                                     Hình tham khảo internet

Nguồn gốc Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Đội Hoàng Sa được lập từ thời các chúa Nguyễn thiết lập bộ máy chính quyền ở phía Nam và hoạt động liên tục trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa hơn 3 thế kỷ (từ thời chúa Nguyễn đến thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn).

Đội Hoàng Sa đầu tiên gồm 70 binh phu giỏi nghề đi biển của 2 làng An Vĩnh và An Hải đi trên 5 chiếc thuyền câu ra vùng biển Hoàng Sa để đo đạc, cắm cột mốc chủ quyền.

Các binh phu được được cấp mỗi người 6 tháng lương thực và một chiếc chiếu, ba sợi dây mây, bảy nẹp tre và một thẻ bài ghi tên tuổi để nếu rủi ro xảy ra thì dùng những vật dụng trên bó xác lại và thả xuống biển, hi vọng có người vớt lên chôn cất kèm theo tên tuổi.

Hàng năm, cứ đến tháng 2 âm lịch, các binh phu đội Hoàng Sa dùng thuyền buồm để tuần tra canh phòng tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đến tháng 8 âm lịch lại dong buồm trở về đảo Lý Sơn.

Những binh phu trong đội Hoàng Sa ra đi thường ít khi trở về, vì thế, mỗi lần các binh phu chuẩn bị đi Hoàng Sa - Trường Sa là các tộc họ lại làm Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Chi tiết

Lễ khao lề được mở màn bằng tiết mục múa bông, sau đó thầy pháp sẽ yểm bùa trước các chiến binh Hoàng Sa trong ngày lễ. Khi thầy cúng yểm bùa vào những hình nhân thế mạng thì người đăng lính ra Hoàng Sa đã có người chết thế (thế lính).

Dụng cụ của thầy cúng trong lễ khao lề là tiếng ốc u gọi quân, sau lễ là cuộc rước thuyền và hình nhân thế mạng ra biển.

Năm chiếc thuyền câu (tượng trưng) cùng những hình nhân thế mạng sẽ ra Hoàng Sa từ bến thuyền của đảo Lý Sơn.

Mộ Gió

Trên thế giới có nhiều cách an táng người chết như: địa táng, thủy táng, hỏatáng, thiên táng… nhưng đảo Lý Sơn có một hình thức an táng đặc biệt với tên gọi là “mộ gió”. Hầu hết những người lính đi làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa thời ấy đều không trở về, xác của họ bị chìm luôn ngoài biển. Để đền đáp ân tình đối với những người lính đã hy sinh vì nghĩa lớn, người dân Lý Sơn đã đắp những ngôi mộ gió. Mỗi ngôi mộ đều có tên tuổi người hy sinh nhưng bên trong không có hài cốt của người đã khuất mà được thay thế bằng một hình nhân làm từ đất sét.

Đội Hoàng Sa

Từ năm 1836, triều đình nhà Nguyễn đã lập ra một đội dân binh mang tên đội Hoàng Sa, hàng năm đội Hoàng Sa có nhiệm vụ dong thuyền ra đo đạc thủy trình, dựng bia, sửa cột mốc chủ quyền, thu thuế thuyền bè qua lại và đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa trong 6 tháng mùa biển lặng.

Ban đầu, quân số của đội Hoàng Sa hầu hết là cư dân của làng An Vĩnh, An Hải trong đất liền, nhưng từ thế kỷ 19 trở đi, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. 70 định suất đi Hoàng Sa (và sau này có cả Trường Sa) được chia đều cho các tộc họ, theo nguyên tắc luân phiên nhau, người con trưởng phải ở nhà lo việc tế tư, người con thứ phải đăng lính, vì thế hầu như toàn bộ các tộc họ thuộc làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn đều có người đi lính Hoàng Sa.

Lý Sơn, hậu phương của đội Hoàng Sa

Đảo Lý Sơn nằm cách bờ biển Quảng Ngãi 18 hải lý về phía Đông Bắc, có diện tích 9,97 km2 là nơi cung cấp hùng binh cho đội Hoàng Sa.

Vào thế kỷ 16, Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để canh giữ biển đảo Hoàng sa kiêm quản Trường Sa. Phần lớn người của đội Hoàng Sa là người làng An Vĩnh của đảo Lý Sơn.

Trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là thế kỷ 19, Lý Sơn là nơi có nhiều người ra biển Đông để khai thác sản vật, đo vẽ bản đồ, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Hiện tại, ở đảo Lý Sơn có 45 họ tộc là con cháu của những vị tổ ngày xưa là lính hoặc dân binh được nhà Nguyễn cử ra trấn giữ đảo Hoàng Sa. Trong suốt thời gian đội Hoàng Sa hoạt động, Lý Sơn đã cung cấp hàng ngàn lượt binh, phu. Những di tích như đình An Vĩnh, Âm Linh tự, mộ gió và lễ khao lề thế lính đã chứng minh Lý Sơn chính là hậu phương vững chắc cho sự ra đời, phát triển của hải đội Hoàng Sa.

Huyện đảo Lý Sơn có 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó một nửa liên quan trực tiếp đến hải đội Hoàng Sa.

Tài liệu tham khảo

https://vov.vn/xa-hoi/ly-son-to-chuc-le-khao-le-the-linh-hoang-sa-tuong-nho-cac-hung-binh-757372.vov

http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/32583702-le-khao-le-the-linh-hoang-sa-%E2%80%93-am-huong-cua-nhung-hung-binh.html

http://www.sggp.org.vn/le-khao-le-the-linh-hoang-sa-tren-dao-ly-son-588249.html

http://www.dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dao-ly-son-to-chuc-le-khao-le-the-linh-hoang-sa-479499.html

https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khao-le-the-linh-hoang-sa-572190

Xem thêm