Miền Nam chống chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mĩ (1965 – 1968)
Được đăng bởi Quản trị KD-sa.th.11    01/02/2018 15:49

Câu 1.  Hãy cho biết hoàn cảnh, âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam.

Đầu năm 1965, đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn của chiến lược chiến tranh đặc biệt, Giônxơn đã chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ": ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân chư hầu cùng vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại vào miền Nam Việt Nam để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam.

Chiến lược "chiến tranh cục bộ" chính thức bắt đầu từ giữa năm 1965. Đây là hình thức xâm lược thực dân mới được tiến hành bằng lực lượng quân viễn chinh Mĩ, quân chư hầu và ngụy quân. Trong đó quân Mĩ giữ vai trò quan trọng và không ngừng tăng lên về số lượng lẫn trang bị.

Tính đến cuối năm 1964, lực lượng quân Mĩ có mặt ở miền Nam khoảng 26.000, đến cuối năm 1965 là 200.000, đến cuối năm 1967 là 537.000. Chưa kể 70.000 lính Mĩ ở Hạm đội 7 và 20.000 lính chư hầu sẳn sàng tham chiến.

Mĩ đã mở hàng loạt cuộc hành quân lớn với mục tiêu "tìm diệt và bình định" nhằm vào các căn cứ cách mạng:

- Mở đầu là cuộc hành quân "tìm diệt" mang tên "ánh sáng sao", đánh vào căn cứ của ta ở Vạn Tường – Quảng Ngãi.

- Tiếp đó Mĩ mở liên tiếp hai cuộc phản công lớn trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 với hàng loạt cuộc hành quân "tìm diệt" và "bình định" vào những vùng "đất thánh Việt Cộng", hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến của ta.

Câu 2. Quân dân miền Nam đã đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mĩ như thế nào?

1. Chiến thắng Vạn Tường (Quảng Ngãi)

Ngày 18/08/1965, sau khi chiếm được Chu Lai, Mĩ đã huy động hơn 9.000 lính thủy đánh bộ cùng với nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại mở cuộc tấn công vào Vạn Tường để "tìm diệt" lực lượng của ta.

Tại đây, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta, sau một ngày chiến đấu ta đã đẩy lùi được cuộc hành quân của địch, tiêu diệt được hơn 900 tên, phá hủy hàng chục xe bọc thép và máy bay của địch.

Chiến thắng Vạn Tường đã mở đầu cho phong trào "tìm Mĩ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" trên khắp miền Nam. Và đồng thời cho thấy ta có thể đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mĩ.

2. Đánh tan hai cuộc phản công mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967

* Mùa khô 1965 - 1966

Tháng 01/1965, Mĩ-ngụy tập trung lực lượng mở cuộc phản công lần thứ nhất với 72 vạn quân. địch mở 450 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó có 5 cuộc hành quân "tìm diệt" then chốt, nhằm vào hai hướng chính là Đông Nam Bộ và Đồng bằng khu 5 nhằm tiêu diệt chủ lực quân giải phóng, “bẻ gãy xương sống Việt Cộng”, giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Với thế trận chiến tranh nhân dân, bằng nhiều hình thức tác chiến khác nhau đã chặn đánh địch ở khắp mọi hướng, tiến công địch ở mọi nơi…

Trong 4 tháng mùa khô 1965 - 1966, ta đã loại khỏi vòng chiến hơn 67.000 tên địch, trong đó có 35.000 quân Mĩ và chư hầu, bắn hạ 940 máy bay, phá hủy 600 xe tăng, thiết giáp và trên 1.000 ôtô của địch.

* Mùa khô 1966 - 1967

Mùa khô 1966 - 1967, với lực lượng lên đến 980.000 quân (trong đó có 440.000 lính Mĩ và chư hầu), Mĩ đã mở cuộc phản công mùa khô lần thứ hai nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta, tạo bược ngoặt trong chiến tranh.

Chúng đã tiến hành 895 cuộc hành quân lớn nhỏ, trong đó có 3 cuộc hành quân “tìm diệt” then chốt:

+ At-tơn-bo-rơ (Attleboro) đánh vào chiến khu Dương Minh Châu (tháng 11/1966)

+ Xê-đa-phôn (Cedar Falls) đánh vào Trảng Bàng, Bến Súc, Củ Chi (tháng 1/1967)

+ Gian-xơn-xity (Juncition City) đánh vào chiến khu Dương Minh Châu (tháng 4/1967)

Quân và dân Nam bộ đã phối hợp với các chiến trường khác đã mở hàng loạt cuộc phản công, từng bước đánh bại các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” của địch; loại khỏi vòng chiến 175.000 tên, trong đó có 76.000 lính Mĩ và chư hầu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

3. Đấu tranh chính trị phát triển

Các vùng nông thôn ở miền Nam, quần chúng nổi dậy đấu tranh chống kìm kẹp, trừng trị bọn ác ôn, phá vỡ từng mảng “ấp chiến lược” do chúng lập ra.

Ở các thành thị, công nhân, học sinh, sinh viên, phật tử… đã nổi lên đấu tranh đòi Mĩ cút về nước, đòi tự do, dân chủ, dân sinh…

Vùng giải phóng được mở rộng, uy tín của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

Câu 3. Trình bày diễn biến kết quả và ý nghĩa của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Sau 2 cuộc phản công mùa khô, so sánh tương quang lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Hơn nữa trong năm 1968, cuộc bầu cử Tổng thống Mĩ sẽ nảy sinh những mâu thuẫn mà ta có thể lợi dụng được.

Đảng đã chủ trương mở cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy” trên khắp chiến trường miền Nam, chủ yếu là ở các đô thị, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mĩ - ngụy, buộc Mĩ phải rút quân về nước.

Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 01 năm 1968, quân chủ lực của ta đã đồng loạt tấn công và nổi dậy ở 37/44 thị xã, 5/6 thành phố trên toàn miền Nam.

Ở Sài Gòn, quân ta đã tấn công vào các vị trí cơ quan đầu não của địch như Tòa Đại sứ, Dinh Độc lập, đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu …

Trong đợt này, quân ta đã loại khỏi vòng chiến 147.000 tên, trong đó có 43.000 lính Mĩ và chư hầu, phá hủy một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của địch.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, có thêm nhiều lực lượng mới chống Mĩ và chính quền Sài Gòn được mở rộng.

Sau đợt tấn công Tết, ta tiếp tục tiến công đợt 2 (4/5 – 18/6) và đợt 3 (17/8 – 23/9).

Đây là một đòn bất ngờ làm cho địch choáng váng, nhưng do lực lượng của địch còn mạnh, nên chúng đã nhanh chóng tổ chức phản công giành lại những mục tiêu bị ta chiếm và đồng thời cũng đã làm cho ta bị tổn thất khá nặng nề.

Tuy vậy, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã làm cho phong trào phản chiến đòi Mĩ rút quân khỏi Việt Nam ở Mĩ dâng cao, buộc tổng thống Giôn- xơn phải tuyên bố “phi Mĩ hóa” chiến tranh, ngừng mọi hoạt động bắn phá miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với ta để chấm dứt chiến tranh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ, mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Xem thêm