Những sai sót cần tránh khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử
Được đăng bởi Quản trị KD-sa.th.11    09/11/2018 09:59

Đầu tiên cần đọc kỹ đề, xác định từ khóa và yêu cầu của câu hỏi để lựa chọn phương án trả lời phù hợp, chú ý dạng câu phủ định để không bị lạc đề hay nhầm lẫn kiến thức.

Trong trường hợp chưa biết đáp án đúng, có thể dựa trên những dữ kiện trong bài để loại trừ đáp án sai và tìm ra đáp án đúng, không nên đoán mò.

Theo cấu trúc đề thi, càng xuống dưới câu hỏi càng khó nên phải biết phân tích, xử lý nhanh và chính xác các câu dễ, phân bố hợp lý thời gian làm bài.

Phải đọc kỹ lời dẫn ngay trong lần đầu tiên, phân bố thời gian hợp lý khi làm bài. So với đề tự luận, hình thức thi trắc nghiệm có số lượng câu hỏi nhiều hơn nhưng thời gian làm bài ngắn hơn.

Trong kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm, lời dẫn bao giờ cũng nêu đầy đủ thông tin, ý nghĩa của vấn đề. Vì thế, luôn phải đọc thật kỹ lời dẫn ngay lần đầu tiên để không mất thêm thời gian đọc lại lần thứ hai.

Tùy theo trình độ để phân bố thời gian làm bài tối ưu. Với môn Lịch sử, học sinh trung bình cần dành nhiều thời gian cho 24 câu đầu, mức độ nhận biết và thông hiểu, tránh mất thời gian cho câu vận dụng cao.

Học sinh khá giỏi cần xác định thật nhanh và dứt khoát đáp án các câu dễ, dành nhiều thời gian giải các câu khó. Khi không thể trả lời được câu nào, mà thời gian còn rất ít thì nên chọn đáp án theo mình là đúng nhất theo phương châm "thà tô nhầm còn hơn bỏ sót" để có cơ hội đạt điểm cao hơn, tuyệt đối không để trống câu nào.

Trong quá trình làm bài, cần chú ý đánh dấu những câu đã làm vào đề thi để không mất thời gian đọc lại ở lần tiếp theo.

Những sai sót cần tránh trong quá trình làm bài

- Không điền mã đề và thông tin cá nhân do vội vàng làm bài.

- Tô một câu 2 ô đáp án, có thể do vô tình hay cố ý đều không được chấm điểm.

- Không tô đáp án câu không biết trả lời, tự gây bất lợi cho mình.

- Tẩy xóa không sạch khi đổi đáp án khác, dễ bị nhầm là tô 2 đáp án và bị hủy kết quả.

- Phân phối thời gian không hợp lý, không kịp thời gian tô đáp án.

- Tô không kín ô hoặc chỉ đánh chéo, đánh dấu vào ô đáp án, sẽ không được tính điểm.

- Không đọc kỹ câu hỏi, vội vàng chọn đáp án khi thấy câu quen thuộc hoặc không chú ý kỹ các câu có từ phủ định "không" (thường được in đậm) nên dễ chọn đáp án sai.

- Nhìn không kỹ thứ tự câu nên tô nhầm đáp án vào câu khác, dễ dẫn đến một câu hai đáp án.

- Chọn viết chì không phù hợp (đầu nhọn khó tô, dễ gãy) hoặc gôm (tẩy) không tốt, ảnh hưởng thời gian làm bài, gây tâm lý ức chế, ảnh hưởng kết quả bài thi.

- Nhầm lẫn thứ tự câu khi tô đáp án từ giấy nháp vào bảng trả lời. Đây là lỗi khá nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến điểm liệt nếu tô lệch quá nhiều. Tốt nhất biết câu nào tô ngay câu đó, tránh để trống và tô tất cả các câu vào cuối giờ làm bài.

Xem thêm