Phương pháp hình thành kĩ năng xác lập mối quan hệ nhân quả
Được đăng bởi Quản trị TP-sa.th.21    21/06/2017 09:23
- Các mối quan hệ trong địa lí rất phong phú và đa dạng; đó là mối quan hệ giữa các hiện tượng tự nhiên với nhau, giữa tự nhiên với kinh tế - xã hội, giữa các hiện tượng địa lí kinh tế - xã hội với nhau. Trong các mối quan hệ đó, có những mối quan hệ nhân quả và những mối quan hệ thông thường.

- Các mối quan hệ nhân quả là những mối quan hệ biểu hiện mối tương quan phụ thuộc một chiều giữa các sự vật, hiện tượng địa lí, trong đó có hai thành phần: một bên là nhân, một bên là quả. Chỉ có nhân sinh ra quả, chứ quả không sinh ra nhân. Ví dụ: hiện tượng khí hậu khô hạn, hiếm mưa ở các vùng chí tuyến đã làm cho các vùng này trở thành hoang mạc, nhưng hiện tượng hoang mạc không phải là nguyên nhân của hiện tượng khí hậu khô hạn, hiếm mưa.



Các mối quan hệ nhân quả trong địa lí cũng rất phức tạp và có thể phân ra:

- Các mối quan hệ nhân quả đơn giản và các mối quan hệ nhân quả phức tạp.

  Ví dụ 1: do Trái Đất hình cầu (nguyên nhân), nên ánh sáng Mặt Trời chỉ chiếu sáng được một nửa (kết quả), thì mối quan hệ giữa hình cầu của Trái Đất và ánh sáng Mặt Trời chỉ chiếu sáng được một nửa là mối quan hệ địa lí đơn giản (một nguyên nhân sinh ra một kết quả). Nhưng ví dụ 2: do Trái Đất có dạng hình cầu (nguyên nhân 1) và do sự tự quay của nó quanh trục (nguyên nhân 2) nên ở khắp mọi nơi trên Trái Đất đều có ngày đêm (kết quả), thì mối quan hệ có dạng hình cầu và sự tự quay quanh trục của Trái Đất với hiện tượng: có ngày đêm ở khắp nơi trên Trái Đất là mối quan hệ nhân quả địa lí phức tạp (hai nguyên nhân sinh ra một kết quả).

- Các mối quan hệ nhân quả trực tiếp và các mối quan hệ nhân quả gián tiếp.

   Hai ví dụ trên (ví dụ 1, 2) cũng là mối quan hệ nhân quả trực tiếp, bởi vì chính những nguyên nhân đó đã sinh ra những hệ quả đó. Trong các mối quan hệ nhân quả gián tiếp thì mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả không dễ dàng nhận thức được. Ví dụ, khi các khối khí di chuyển (nguyên nhân) thì thời tiết ở những nơi chúng đi qua thay đổi (kết quả). Muốn hiểu được mối quan hệ nhân quả này cần phải hiểu được một số mối quan hệ trung gian. Nếu phân tích ra sẽ như sau: thời tiết là kết quả tổng hợp của các yếu tố: nhiệt độ, gió, mưa… Mỗi khối khí đều có những đặc điểm riêng về nhiệt độ, khí áp, độ ẩm… Vậy khi khối khí di chuyển, những đặc tính của nó sẽ ảnh hưởng đến mặt đất tiếp xúc, làm cho chế độ nhiệt, gió, mưa thay đổi (tức thời tiết thay đổi). Có hiểu được các mối quan hệ trung gian như vậy thì mới hiểu được mối quan hệ nhân quả một cách đầy đủ.

- Khi xác lập các mối quan hệ nhân quả, các em cần phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả. Xây dựng các sơ đồ thể hiện các mối quan hệ nhân quả nhằm giúp các em dễ dàng nhận ra và biết cách hệ thống hoá các mối quan hệ này. Trong sơ đồ nên dùng mũi tên để thể hiện quan hệ giữa nhân và quả. Việc xác lập các mối quan hệ nhân quả và vẽ sơ đồ cũng nên đi từ đơn giản đến phức tạp.

Xem thêm