Phương pháp học và ôn tập môn Địa lí
Được đăng bởi Quản trị KD-sa.th.11    29/12/2017 13:44

Phương pháp học và ôn tập môn Địa lí

Với phương án đổi mới, việc ôn thi môn Địa lý theo hình thức tự luận như mọi năm đã không còn phù hợp nữa. Vậy phải ôn thi Địa lý như thế nào để đạt được kết quả tốt nhất khi thi trắc nghiệm? Để giúp các thí sinh định hướng ôn tập của mình, chúng tôi sẽ cùng chia sẻ với các thí sinh về phương pháp ôn thi Địa Lý.
Luyện thi tại sureTEST cũng là một cách giúp các em củng cố kiến thức và ôn tập nhanh hơn.

I. Nội dung kiến thức
- Địa lý lớp 12 được chia ra làm 4 phần:
      + Địa lí tự nhiên
      + Địa lí dân cư
      + Địa lí kinh tế
      + Địa lí vùng kinh tế
Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Trước tiên hệ thống được kiến thức trong từng chủ đề, từng bài cụ thể
- Sau khi đã hệ thống các bài, có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ... dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể để giúp các bạn hệ thống lại kiến thức của mình một các rõ ràng nhất:

  • Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ
  • Đặc điểm chung của tự nhiên
  • Vấn đề sử dụng và bảo vệ tự nhiên
  • Địa lí dân cư
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
  • Một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp
  • Một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp
  • Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ
  • Địa lí các vùng kinh tế
  • Địa lí địa phương
  • Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập

- Đối với môn Địa lí, các em không nhất thiết phải nhớ hết số liệu. Các em có thể dựa vào số liệu có trong Atlat.
- Nếu đã học xong phần kiến thức trong phần tự nhiên, dân cư và kinh tế thì phần cuối cùng Địa lí vùng kinh tế,
các em sẽ thấy học rất đơn giản bởi trong phần này có sự lặp lại của phần kiến thức chung.
- Trong phần kinh tế vùng này tổng hợp nội dung của 7 vùng vào một bảng hệ thống theo kiểu so sánh để dễ nhớ, dễ thuộc mà không bị nhầm lẫn.
- Nhìn chung, thi theo kiểu trắc nghiệm thì các em không những cần nắm vững kiến thức mà phải thực sự hiểu sâu sắc vấn đề.
II. Kĩ năng khai thác và sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam để làm các câu hỏi trắc nghiệm

1. Nắm chắc các ký hiệu:
Cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp...
2. Biết rõ câu hỏi để có thể dùng Atlat:
Tất cả các câu hỏi trắc nghiệm có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất hoặc yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời. Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, HS cũng có thể tìm thấy một vài số liệu ở các biểu đồ trong Atlat.
3. Biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat:
Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông-lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, HS cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần trắc nghiệm lý thuyết.
4. Biết sử dụng đủ số bản đồ trong Atlat cho một câu hỏi trắc nghiệm địa lý
Trên cơ sở nội dung câu hỏi cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, HS có thể xác định những trang bản đồ trong Atlat cần thiết dựa vào phần mục lục cuối cuốn Atlat (trang 31).
- Những câu hỏi trắc nghiệm địa lý chỉ cần sử dụng một trang bản đồ của Atlat để trả lời như:
“Hãy trình bày nguồn tài nguyên khoáng sản ở nước ta”. Với câu hỏi này chỉ sử dụng bản đồ "Địa chất-khoáng sản”.
“Hãy nhận xét tình hình phân bố dân cư nước ta?”. Trong trường hợp này, chỉ cần dùng 1 bản đồ “Dân số”.
- Những câu hỏi trắc nghiệm cần dùng nhiều trang bản đồ trong Atlat để trả lời như:
      • Những câu hỏi trắc nghiệm đánh giá tiềm năng (thế mạnh) của một ngành như:
      Khi đánh giá tiềm năng của ngành công nghiệp năng lượng, HS không những chỉ sử dụng bản đồ khoáng sản để thấy khả năng phát triển các ngành công nghiệp này mà còn sử dụng bản đồ công nghiệp để thấy vai trò của ngành này với các ngành công nghiệp khác, sử dụng bản đồ sông ngòi để thấy tiềm năng phát triển thủy điện...
      • Những câu hỏi trắc nghiệm tiềm năng (thế mạnh) của 1 vùng kinh tế như:
    Khi phân tích các thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng, HS cần dựa vào bản đồ vùng kinh tế Trung du miền núi Bắc bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng trang 26 để xác định giới hạn của vùng, phân tích những khó khăn và thuận lợi về vị trí vùng. Đồng thời HS phải biết đối chiếu giữa bản đồ vùng kinh tế với các bản đồ khác (như đất, khí hậu, sông ngòi, dân cư...) nhằm xác định được đầy đủ các thế mạnh về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của vùng.
- Loại bỏ những bản đồ không phù hợp với câu hỏi trắc nghiệm
      + Khi đánh giá tiềm năng phát triển cây công nghiệp, HS có thể sử dụng bản đồ: đất, địa hình, khí hậu, dân cư... nhưng không cần sử dụng bản đồ khoáng sản.
      + Khi đánh giá tiềm năng công nghiệp có thể sử dụng bản đồ khoáng sản nhưng không cần sử dụng bản đồ đất, nhiều khi không sử dụng bản đồ khí hậu…
III. Cách nhận dạng các loại biểu đồ trong câu hỏi trắc nghiệm
- Biểu đồ tròn: khi đề bài yêu cầu thể hiện cơ cấu, tỉ lệ, tỉ trọng (%) của đối tượng mà dưới 2 năm.


- Biểu đồ cột (đơn, đôi...): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự biến động của một đối tượng qua nhiều năm hoặc so sánh các đối tượng khi có cùng đơn vị trong một năm.
- Biểu đồ đường biểu diễn (đồ thị): khi đề bài yêu cầu thể hiện sự thay đổi, tăng trưởng, diễn biến của các đối tượng khác nhau về đơn vị qua nhiều năm.
- Biểu đồ kết hợp giữa đường và cột: khi đề bài yêu cầu thể hiện các đối tượng khác nhau về đơn vị nhưng có mối quan hệ với nhau. Hoặc đề bài có từ ba loại số liệu trở lên mà cần biểu diễn trên cùng một biểu đồ.
- Biểu đồ miền: khi đề bài yêu cầu thể hiện rõ nhất sự thay đổi cơ cấu, tỉ trọng của hai hoặc ba nhóm đối tượng mà có từ 3 năm trở lên.
- Biểu đồ cột chồng: khi đề bài yêu cầu thể hiện tốt nhất quy mô và cơ cấu của đối tượng (theo tỉ lệ % tuyệt đối).


- Ngoài ra có dạng biểu đồ miền kết hợp với đường: thường dùng biểu đồ này trong trường hợp đặc biệt: ví dụ tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu, tỉ lệ sinh, tỉ lệ tử, tỉ lệ gia tăng tự nhiên…

IV. Học phải đi đôi với hành
Một trong điều cực kỳ quan trọng giúp các em vừa khắc sâu kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng làm bài thi trong quá trình ôn thi, thí sinh cần phải làm các dạng câu hỏi trắc nghiệm để củng cố, rèn luyện kiến thức và kĩ năng.

Chúc các em ôn luyện tốt!

Xem thêm