Thi luật
Được đăng bởi Quản trị KD-sa.th.11    28/07/2017 16:19

I. Định nghĩa

Luật thơ là toàn bộ những quy tắc vê số câu, số tiếng, cách gieo vần, phép hài thanh, ngắt nhịp, phép đối, v.v... được khái quát theo một kiểu mẫu nhất định.

Chẳng hạn, luật thơ lục bát, luật thơ song thất lục bát, luật thơ Đường, v.v...

II. Một số thể thơ

a. Thể thơ lục bát

Hiểu luật thơ lục bát là phải nắm được những quy tắc sau đây:

+ Số tiếng: cặp lục bát gồm một câu 6 tiếng và một câu 8 tiếng.

+ Gieo vần: vần được gieo theo cách:

- Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát.

- Tiếng thứ tám của câu bát vần với tiếng thứ 6 của câu lục tiếp theo.

+ Nhịp: ngắt theo tiếng chẵn, nhịp phổ biến là 2/2/2; 212.1212.

+ Hài thanh: đối lập theo âm vực: bổng (ngang, hỏi, sắc) và trầm (huyên, ngã, nặng). Các tiếng 2, 4, 6, 8 trong câu thơ lục bát tuân theo quy tắc hài thanh bằng - trắc:

B/T/B

B/T/B/B

Ví dụ:

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân (B - T - B)

Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều (B-T-B-B)

b. Thể song thất lục bát

Hiểu luật thơ song thất lục bát là phải nắm được những quy tắc sau đây:

+ Số tiếng: cặp song thất gồm 2 câu thất, cặp lục bát gồm một câu 6 tiếng và một câu 8 tiếng.

+ Gieo vần: vần được gieo theo cách:

- Tiếng thứ 7 của câu thất thứ nhất vần với tiếng thứ 5 của câu thất thứ hai.

- Tiếng thứ 7 của câu thất thứ hai vần với tiếng thứ 6 của câu lục.

- Hai câu lục bát có cách gieo vần như thể lục bát.

- Tiếng thứ 8 của câu bát vần với tiếng thứ 5 của câu song thất thứ nhất tiếp theo.

+ Nhịp: 3/4 ở cặp song thất và nhịp chẵn (thường là 2/2) ở cặp lục bát.

+ Hài thanh: đối lập thanh bằng (ngang, huyển) và thanh trắc (sắc, nặng, hỏi, ngã) ở tiếng thứ 3, 5, 7 của cặp song thất, như sau:

T/B/T

B/T/B

Ví dụ:

Cùng trông lại (T) mà cùng (B) chẳng thấy (T)

Thấy xanh xanh (B) những mấy (T) ngàn dâu (B).

Cặp lục bát như ở thể thơ lục bát: B/T/B B/T/B/B

Ví dụ:

Ngàn dâu (B) xanh ngắt (T) một màu (B)

Lòng chàng (B) ý thiếp (T) ai sầu (B) hơn ai.

Hay như 2 câu lục bát trong Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm:

Đoái trông (B) theo đã (T) cách ngăn (B)

Tuôn màu (B) mây biếc (T), trải ngần (B) núi xanh (B)

c. Thể ngũ ngôn Đường luật (gồm ngũ ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn bát cú).

d. Thể thất ngôn Đường luật (gồm thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú)

Vê hai thể thơ này, cần đọc kĩ mô hình ở SGK (trang 104, 105 trong SGK Ngữ văn 12, tập một), vê số tiếng, cách gieo vần, cách ngắt nhịp và sự hài thanh.

* Lưu ý:

+ Thể bằng, thể trắc (luật bằng / luật trắc): căn cứ vào tiếng thứ hai của câu thứ nhất. Nếu tiếng thứ hai có thanh trắc là thể trắc, có thanh bằng là thể bằng.

+ Niêm: quy tắc tương ứng vê bằng / trắc của các thể thơ, phú luật Đường.

Hai câu thơ gọi là niêm khi các tiếng ở một số vị trí được quy định (tiếng thứ hai, tiếng thứ tư, tiếng thứ sáu) có thanh giống nhau:

Trong thơ ngũ ngôn / thất ngôn tứ tuyệt, các cặp câu phải niêm là 2-3 và 1-4.

Trong thơ ngũ ngôn / thất ngôn bát cú, các cặp câu phải niêm là 1-8, 2-3, 4-5 và 6-7.

Chẳng hạn, bài thơ Cảnh khuya của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt (7 tiếng, 4 câu), thể trắc, các cặp câu 1-4, 2-3 phải niêm.

Xem thêm